(Ký sự mục vụ ngày mừng lễ Bổn Mạng
giáo họ Nghĩa Lâm-Quảng Ngãi : Lễ Thăng Thiên 19.05.2012)
BBT blog gxqn
Nếu
Quảng Ngãi là một địa danh mang âm hưởng nặng nề của khốc liệt chiến tranh, của
cực đoan ý tưởng, của căng thẳng ý thức hệ và của sôi động mạnh mẽ khát vọng
vật chất cũng như tinh thần, thì vùng đất phía Tây Quảng Ngãi lại giống như
"cuốn nhật ký" ghi đậm những “dấu ấn phức tạp” ấy qua những địa danh
hay biến cố mãi mãi đi theo cùng năm tháng như : loạn Đá Vách, Trường Lũy, mật
khu Đỗ xá, trận chiến Ba Gia…
Trên
địa bàn mục vụ của giáo hạt Công Giáo Quảng Ngãi, nếu men theo đôi bờ tả hữu
của con sông Trà Khúc mà xuôi về hướng Tây, chúng ta sẽ gặp những cộng đoàn xứ
đạo vừa lâu đời, vừa trù phú mà trong số đó, hôm nay chỉ còn vang bóng một thời
: Bên bờ Bắc Trà Khúc, có Phú Hòa, Chợ Mới, Đồng Cọ, Tân Lộc, Cù Và, Phước Thọ.
Phía bờ Nam với các cộng đoàn : Quảng Ngãi, Rừng Lăng, An Hội, Phước Lâm. Ngày
hôm nay, chỉ còn tồn tại và sinh hoạt với 2 giáo xứ có nhà thờ : phía Nam là
Quảng Ngãi và phía Bắc là Phú Hòa. Tất cả các cộng đoàn khác, một số đã bị bình
địa trong cuộc chiến Bắc Nam. Trong số đó phải kể hai đơn vị giáo xứ quan trọng
: Tân Lộc và Cù Và. Riêng Cù Và, một địa sở đông đảo, trù phú, với các họ đạo
vệ tinh : Phước Lâm, Phước Thọ, Đồng Cọ, Chợ Mới…đã từng được coi là một trong
những vựa lúa lớn của giáo phận Qui Nhơn ; vì nơi đây có hàng trăm mẫu ruộng
Nhà chung, cung cấp tài sản hàng năm đáng kể cho Giáo Phận.
Trong
trận chiến Ba Gia nổ ra khoảng cuối tháng 5 năm 1965, toàn bộ vùng Tây Quảng
Ngãi chìm trong lửa đạn. các giáo xứ, giáo họ bị tàn phá và bình địa. Các cơ sở
thờ tự và mục vụ bị san bằng. Một số ít giáo dân di tản đến các vùng Phú Hòa,
thị xã Quảng Ngãi ; trong khi đó đa số di cư vào tận các tỉnh phía Nam và tái
hội nhập vào các giáo phận như Nha Trang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Sài Gòn, Ban Mê
Thuột…
Sau
năm 1975, một số ít giáo dân hồi cư về vùng đất cũ, nơi chôn nhau cắt rún, tài
bồi lại mồ mã ông bà tổ tiên. Trong số đó có hai giáo họ bên bờ Nam sông Trà
Khúc hiện thuộc địa bàn mục vụ của giáo xứ Quảng Ngãi : họ An Hội và họ Phước
Lâm mà tên hành chánh hôm nay gọi là Nghĩa Lâm. Cả hai giáo họ đều không còn
nơi thờ phượng. Nhà thờ bị phá hủy, đất đai nhà thờ bị chính quyền và dân chiếm
dụng. Mỗi ngày Chúa Nhật, chỉ một số ít có phương tiện xe honđa hặc xe đạp, dắt
díu đèo nhau đi về nhà thờ Quảng Ngãi thờ phượng Chúa.
Riêng
giáo họ Nghĩa Lâm, cứ mỗi độ tiếng ve sầu vang lên khắp chốn báo hiệu cái nắng
gắt của mùa Hè, giáo dân nô nức chuẩn bị mừng ngày Truyền Thống Bổn Mạng dịp
đại lễ Thăng Thiên. Năm nay, giáo họ, ngoài niềm vui mừng Bổn Mạng như mọi năm,
giáo dân Nghĩa Lâm hoan hỷ đón mừng cha tân chánh xứ kiêm hạt trưởng Quảng Ngãi
: Giuse Trương Đình Hiền, lần đầu tiên về thăm và cử hành lễ Bổn Mạng giáo họ.
Để
chuẩn bị ngày lễ truyền thống đặc biệt nầy, cha phó Giacôbê Bùi Tấn Mai đã đến
chuẩn bị tâm hồn và giả tội cho anh chị em giáo dân trước đó một ngày. Cũng
trong tinh thần chuẩn bị đại lễ, một số anh chị em ca viên thuộc ca đoàn
Cecilia Quảng Ngãi đã đến trước vào ngày thứ Sáu trước lễ để ôn tập thánh ca
Phụng Vụ với ca đoàn giáo họ Nghĩa Lâm.
Trước
giờ cử hành thánh lễ, giáo dân hân hoan tập trung đón chào cha chánh xứ. Anh em
trong ban Chức việc giáo họ quây quần bên chủ chăn để trình bày đôi nét về sinh
hoạt của giáo họ. Sau đó, thánh lễ trang nghiêm và sốt sắng được cử hành mà mầu
nhiệm Phụng Vụ Thăng Thiên chính là trọng tâm ý nghĩa.
Trong
bài chia sẻ Lời Chúa, cha chánh xứ đã nêu bật ý nghĩa :
“Sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay phải chăng đó là vừa “biết ngước mắt
ngẫng cao đầu hướng về trời cao” để nuôi giữ niềm tin yêu hy vọng vĩnh cửu, và
vừa biết nhìn thẳng vào cuộc sống đời thường để biết xả thân xây dựng cuộc sống
hôm nay. Sống mầu nhiệm Thăng Thiên cũng có nghĩa là vừa biết giữ cõi
lòng thanh thản khỏi mọi vướng bận và đam mê nhỏ hèn, ô trọc, nhầy nhụa vật
chất và lạc thú tầm thường , vừa biết cần cù xây dựng công lý và yêu thương,
sẵn sàng biết cho đi và quảng đại quên mình…
Vâng, sống mầu nhiệm Thăng Thiên đó là biết không ngừng “chắp cho
mình đôi cánh thiên nga” để bay cao khỏi vũng lầy của cái danh cái lợi, cái hận
thù ghét ghen, cái nhỏ nhen bũn xĩn…để nhìn xa về phía trước, nhìn lên tận cõi
cuối trời mà tin rằng có một “quê nhà đích thật” đang mở cửa đón đợi...”
Sau
thánh lễ là bữa tiệc Bổn Mạng với đại diện của các gia đình, các giáo họ bạn,
trong bầu khí thân thương, nghĩa tình huynh đệ. Trước khi về lại Quảng Ngãi,
cha chánh xứ cùng với cha phó xứ và một số anh chị em chức việc và ca viên
thuộc giáo xứ Quảng Ngãi đã sang thăm viếng địa bàn giáo họ Phước Thọ, một địa
danh nằm bên bờ Bắc sông Trà Khúc và phía dưới công trình thủy điện Thạch Nham,
một công trình thủy lợi lớn nhất Quảng Ngãi, đã giúp tưới tiêu cho hàng nghìn
mẫu ruộng.
Đẹp
làm sao một ngày hội Bổn Mạng của một cộng đoàn giáo họ vùng sâu vùng xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét