Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Quà tặng trở thành sự sống giữa đời thường

LM. Giuse Trương Đình Hiền


            Nhà thơ Xuân Diệu có viết : "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu ?
                                                               Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều...!"

            Vâng, chỉ một buổi chiều, một buổi hoàng hôn nơi nhà Tiệc Ly cách đây 2000 năm tại xứ Palestina, nhân loại đã tìm được câu định nghĩa cho tình yêu, câu định nghĩa được viết ra, được công bố, được hình thành không phải bằng ngôn từ đầu môi chót lưởi kiểu "anh yêu em như rừng yêu thú dữ...", bằng đủ mọi gam màu của cây cọ Picasso hay bằng những tượng đài "Bà mẹ Việt nam anh hùng" bự chát hoang tưởng..., mà đơn giản, bằng nghĩa cử thân thương của một con người khi trọn tình trao tặng sự sống cho anh em : "Nầy là Mình Thầy...nầy là Máu Thầy...anh em hãy nhận mà ăn, mà uống..." (Mc 14,22-24). Đó chính là sự "cụ thể hóa" chính câu định nghĩa về tình yêu mà cũng do chính Người đã sáng tạo không lâu trước đó : "Không có tình yêu nào cao cả cho bằng mối tình của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13)
            Mầu nhiệm Thánh Thể cũng chỉ có thể được định nghĩa trong chiều kích sâu thẳm nhất đó chính là “Quà Tặng tình Yêu”, đó chính là nghĩa cử của lòng thương xót vô bờ bến. Đức G.P. II đã xác quyết trong thông điệp về Thánh Thể : “Tôi muốn nhắc lại chân lý nầy một lần nữa và cùng với anh chị em yêu dấu, tôn thờ mầu nhiệm nầy : mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm của lòng thương xót. Đức Giêsu còn có thể làm gì cho chúng ta hơn nữa chăng ? Thật thế, trong Thánh Thể, Người tỏ bày cho chúng ta một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1), một tình yêu không thể đo lường được.” Quả thật chỉ có Thiên Chúa mới dám nghĩ ra Thứ quà tặng độc đáo nầy, một thứ quà tặng gắn liền với hy sinh, với máu đào hy tế để làm cho chúng ta được “thần hóa” thực sự, được thanh tẩy để “xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa” và “lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu”…như đã từng được tiên báo khi “Mô-sê rảy máu trên dân để cử hành Giao ước Sinai” (BĐ 1) và như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư thứ  gởi tín hữu Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay : “Bởi vậy, Người là trung gian của Giao ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu của Thiên Chúa”.
            Cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể hôm nay không phải chỉ dừng lại để cảm tạ một hồng ân, để trân trọng một tặng phẩm cao quý trên mọi tặng phẩm, mà còn để "đem huyền nhiệm Thánh Thể hội nhập vào cuộc sống đời thường".
Thật vậy, trong một thế giới mà nhu cầu vật chất được đề cao quá mức, sự hưởng thụ lạc thú trần gian luôn là một cám dỗ mạnh mẽ, thì Bí Tích Thánh thể, “Manna trường sinh” của người kitô hữu quả là một thách đố lớn lao cho nhiều người nhưng lại là một sức mạnh, một điểm tựa bất khả thay thế cho muôn người. Ngày xưa, cách đây 2000 năm, sau bài giảng “Bánh Hằng Sống” của Đức Kitô, đã có không ít người càm ràm : “Lời gì nghe chói tai quá” và một số môn đệ đã bỏ thầy ra đi. Ngày hôm nay, sau 2000 năm, chắc cũng có rất nhiều người có thái độ “bỏ đi” như thế, khi không cảm nhận được Thánh Thể có một sức thu hút nào, một, ích lợi nào, một lợi nhuận nào cho cuộc sống. Riêng cộng đoàn giáo xứ chúng ta có thể cảm nghiệm được điều đó, khi mầu nhiệm Thánh Thể được cử hành mỗi ngày, tại đây, nhưng vẫn còn có quá ít người đến tham dự !
Thiết tưởng, cử hành mầu nhiệm Thánh Thể hôm nay, là dịp để mỗi người chúng ta xác định lại không chỉ bằng một lời tuyên xưng suông về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể ; nhưng là bằng một cam kết dấn thân sống chosống với sự hiện diện của “Bánh Hằng Sống” được trao ban trong mỗi bước đi của cuộc đời.
            Nói cách khác, chúng ta chỉ thực sự có niềm tin và sống niềm tin Thánh Thể :
- Khi cuộc sống của tôi, gia đình tôi sẽ mang Thánh Thể về tận trung tâm của đời sống gia đình để chính Thánh Thể Chúa, chứ không phải tiền bạc, vật chất, sẽ làm  phong phú hơn, vui tươi hơn, hạnh phúc hơn. Bời vì : tôi luôn xác tin và tâm niệm rằng : Bánh Hằng Sống là chính Đức Kitô sẽ mang lại cho chúng tôi được sống và được sống dồi dào.
- Khi tôi là giáo lý viên, là chức việc, là ca viên hay chỉ là một kitô hữu vô danh nào đó giữa cộng đoàn, nhưng tôi biết yêu thương, tha thứ, phục vụ nhiệt tình hơn, quảng đại hơn vì tôi nhờ Thánh Thể đang ở trong tôi. Bởi vì tôi luôn xác tín rằng : Bánh hằng Sống là chính Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và yêu thương đến cùng khi hiến thân trên thánh giá.
- Khi tôi là một công nhân, một sinh viên, một công chức nghèo nàn, vất vả, thiếu hụt, hay một người cha, người mẹ đầu tắt mặt tối trong cuộc sống gia đình, mà vẫn sống liêm khiết, vẫn biết sẻ chia, vẫn can đảm nối không với bao điều gian dối, vẫn tín trung với các giá trị của Tin Mừng Tám Mối phước thật...bởi vì Thánh Thể đang đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường cuộc sống và tôi luôn tin rằng : Bánh hằng Sống là chính Đức Kitô Đấng đã bị treo lên cây Thánh Giá và đã kéo mọi sự cùng đi lên với Ngài.
Và để  được như thế, để "Quà Tặng Thánh Thể trở thành sự sống" thật sự giữa đời thường, chúng ta có thể cầu nguyện với nhau :
Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
Giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
Đến với con người hôm nay :
Đơn sơ, khiêm hạ,
Không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
Chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
Được bẻ ra đẻ đáp ứng khẩu vị của nhiều người.
Uớc gì chúng con dám rước Chúa
Đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
Để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
Những Nhà Tạm di động,
Đem Chúa đến cho đồng bào
Và quê hương chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

KHI QUÁN TRỌ CUỘC ĐỜI CÓ "BA VỊ KHÁCH QUÝ" (Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi)


 Jos. TĐH

Trong mặc khải Thánh Kinh, có lẽ các bản văn trình bày mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ rất khiêm tốn. Câu văn nổi tiếng nhất nói về Thiên Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Tin Mừng Matthêô đoạn 28, câu 19 mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng vừa được công bố: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Và Phụng vụ đã không ngần ngại chọn lời chào chúc cuối thư 2 của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô làm lời chào chúc nhân danh Chúa Ba Ngôi để khởi đầu Thánh lễ : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13).
            Tuy nhiên, trong Tin Mừng, chúng ta lại gặp thấy một hình ảnh rất sống động, giàu ý nghĩa trình bày huyền nhiệm Ba Ngôi trong một khung cảnh thật trang trọng : Quang cảnh mạc khải huyền nhiệm Ba Ngôi bên bờ sông Giođan khi Chúa Giêsu chịu phép rửa : “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng ; “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con”.
            Trong khi đó, niềm tin của Dân Chúa vào mầu nhiệm Ba Ngôi suốt hai mươi thế kỷ qua, kể từ khi được Đức Kitô mặc khải : “Ai thấy ta là thấy Cha…Cha và Ta là một….Ta sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở cùng anh em luôn mãi”…, niềm tin đó vẫn xuyên suốt tín trung với hai bản Tuyên Xưng đức tin được gọi là Hai Kinh Tin Kính : Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinopoli.
            Dầu cho Thánh Kinh và Thánh Truyền có lên tiếng thế nào đi nữa, dầu cho mặc khải của Thiên Chúa có tích cực và rõ nét đến mấy, thì điều khẳng quyết của nhân loại vẫn là : Thiên Chúa luôn là một Huyền Nhiệm trên mọi huyền nhiệm, một ẩn số của mọi ẩn số. Quả thật, cho đến mãi hôm nay, “tờ lý lịch của Thiên Chúa” vẫn còn “dang dở” để con người mò mẩm tiếp cận trong băn khoăn thao thức tới khi nào “được an nghỉ trong Chúa” (St. Augustinô)…
            Tuy nhiên, cái chân lý nhiệm mầu cao cả tưởng đâu cứ “xa tắp trên chín tầng mây” đó lại là một “sự sống đang bao trùm mọi sự sống”, là một tình yêu đang đốt nóng mọi trái tim, là một hiện hữu đang đồng hành và sánh bước với mọi thân phận người trên mọi nẽo đường trần thế. Vâng, đó chính là dung mạo Thiên Chúa của Người kitô hữu, Thiên Chúa được Đức Kitô mạc khải cho nhân loại, Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con, Thánh Thần ; vì trong Đức Kitô “Thiên Chúa đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

1. Dung mạo đầu tiên của Thiên Chúa Ba Ngôi : Tình yêu sáng tạo và cứu độ
            Không phải đợi cho đến Thánh Gioan Tông Đồ phát biểu : “Thiên Chúa là tình yêu”, mà hàng ngàn năm trước, các tổ phụ, các sứ ngôn cũng đã từng tuyên bố : “Có người mẹ nào không thương con dạ nó mang ? Nhưng nếu có người mẹ nào như thế đi nữa, thì riêng Ta, Ta không bao giờ quên ngươi. Thiên Chúa toàn năng đã phán như thế.” (Isaia). Và bước thể hiện đầu tiên của Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là Thiên Chúa của Tình Yêu sáng tạo và cứu độ.
Trích đoạn ngắn ngủi sách Đệ Nhị Luật trong BĐ 1 vừa được công bố đã dạy chúng ta như Môsê đã dạy dân Ít-ra-en thuở trước rằng : Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tuyên xưng hôm nay chính là Thiên Chúa Toàn năng đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và con người, đã thiết lập chương trình cứu độ qua việc chọn lựa và giải thoát Dân Riêng… Đó chính Thiên Chúa độc nhất, chân thật mà không có một ai khác, một thần nào khác sánh bằng.    
Vâng, tin vào một Chúa Ba Ngôi có nghĩa là tin vào một Đấng Tạo Hóa, một Thiên Chúa dựng nên ta, một Tình yêu vĩ đại đã tác tạo ta thành người, đã cứu độ ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗi và là Đấng đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẽo đường cuộc sống.
Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó là tin vào một Thượng Đế có thể cảm thông sự yếu hèn của phận người để khoan dung tha thứ, là tin rằng : “Cha chúng con ở trên trời sẵn sàng ban cho lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con”, là tin vào một Đấng Cứu Thế sẵn sàng biết chia sẻ và cho đi, sẵn sàng trở nên nghèo hèn và yếu đuối, sẵn sàng bị đóng đinh để chết vì yêu thương. Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là tin một Thiên Chúa “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập”, một Thiên Chúa quan phòng chăm sóc từng con chim sẻ trên cây, từng cây huệ ngoài đồng. Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là Chúa Cha trong hình ảnh “Người Cha già nhớ thương đứa con trai hoang đàng, chiều chiều ra ngõ vắng đón đợi, là Chúa Con trong hình ảnh “Vị Mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lac.” Đó cũng chính là Chúa Thánh Thần mà Thư Rôma trong BĐ 2 hôm nay đã ân cần nhắc bảo chúng ta rằng : “Chúng ta không lãnh nhận Thần Khí để trở thành nô lệ và sợ hải, nhưng là Thần Khí làm cho nên nghĩa tử để thốt lên cách thân thương : Áp-ba ! Cha ơi”.
            Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có được niềm tin như thế. Rất nhiều khi, chúng ta bị cám dỗ rơi vào một khoảng hồ nghi mà ở đó, Chúa như trốn biệt đâu mất. Cũng có khối người, với não trạng thực dụng và duy vật, cứ đòi cho bằng được phải chứng minh cụ thể, phải chứng nghiệm rõ ràng bằng mắt thấy tai nghe tay rờ được thì mới chấp nhận, mới tin sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đó là một thách thức điên rồ kiểu Tôma mà một số không nhỏ nhân loại muôn nơi muôn thuở vẫn đặt ra trước huyền nhiệm thẳm sâu về Thiên Chúa.

2. Dung mạo thứ hai của Thiên Chúa Ba Ngôi : Cộng đoàn yêu thương hiệp nhất
            Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi luôn gợi lên một cộng đoàn, một gia đình. Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa : Cha Con Thánh Thần. Mà không phải chỉ gợi lên, đó chính là căn tính, là bản chất của sự sống bên trong Thiên Chúa. Bởi vì, nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì Thiên Chúa phải là sự hiệp nhất. Tình yêu luôn đòi sự nối kết. Và Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sự nối kết tuyệt vời nhất, cao sâu nhất, bền vững nhất. Đức Kitô đã bộc lộ sự hiệp nhất đặc biệt nầy trong “lời nguyện tế hiến” trong bữa tiệc ly trước khi đi vào cuộc khổ nạn : “Xin Cha cho chúng được nên một như chúng ta là một”. Tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sống tình hiệp nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong một thế giới còn rạn nứt vì bao vết thương của chia rẽ hận thù, chiến tranh bạo lực, những người tin vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi lại phải cố gắng hơn đem lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi vào đời thường cuộc sống : “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm….”. Ước gì mỗi một gia đình Kitô hữu là một cộng đoàn phản ảnh dung mạo Ba Ngôi. Cha Mẹ Con Cái hiệp nhất với nhau trong tình yêu Thiên Chúa và nhờ tình yêu Thiên Chúa thánh hóa và thăng tiến mỗi ngày.
            Ngày xưa, đã có lần Tổ phụ Áp-ra-ham và người vợ hiền yêu quí Xa-ra hân hoan và trân trọng đón tiếp “Ba Vị Khách Quí” đến viếng thăm tại cụm sồi Mam-rê, mà theo các nhà chú giải Thánh Kinh, đó chính là hình ảnh tiên báo về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (St 18,1-15). Sau đó, gia đình nầy đã được chúc phúc và đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Ước gì, mọi gia đình kitô hữu hôm nay cũng mở rộng cánh cửa tâm hồn để trân trọng đón tiếp Ba Ngôi Thiên Chúa như thế. Hãy vững tin rằng, khi "quán trọ cuộc đời được Ba Vị Khách Quí, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi viếng thăm, thì sẽ bừng sáng lên tin yêu và hy vọng, niềm vui và hạnh phúc. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không chỉ tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cách công thức, sáo mòn ngoài miệng lưỡi, mà nhất thiết, phải sống tích cực niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cuộc dấn thân sáng tạo, yêu thương, truyền giáo và hiệp nhất. Và sự dấn thân đó phải bắt đầu từ trong cộng đoàn gia đình, một cộng đoàn phản ảnh chính cộng đoàn tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính trong ý nghĩa và niềm ước vọng đó, chúng ta hãy thân thưa cùng Thiên Chúa Ba Ngôi :
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ. (Manna năm B)

DẪN VÀO LỄ CHÚA BA NGÔI

Dẫn nhập đầu lễ (Đọc trước Ca nhập lễ) :

Kính thưa ông bà anh chị em,
Kết thúc Mùa Phụng vụ Phục sinh và mở sang một giai đoạn mới của Năm Phụng vụ, Hội thánh long trọng cử hành đại lễ Mừng Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao cả, một chân lý nền tảng chiếm vị trí “trung tâm” của đức tin Kitô giáo. Đây còn là Mầu nhiệm đã ghi dấu ấn sâu đậm trên cuộc đời của chúng ta, những người Kitô hữu, qua những cử hành đức tin mà chúng ta được tham dự : Lúc khởi đầu cuộc sống với Bí tích Rửa tội : “Ta rửa tội cho con Nhân Danh Chúa Cha Chúa Con, Chúa Thánh Thần” ; lớn lên từng ngày được chữa lành với bí tích Giải tội : “Ta tha tội cho con nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” ; cùng tuyên xưng với cộng đoàn Dân Chúa mầu nhiệm Ba Ngôi cách long trọng khi cử hành Thánh Thể : “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô hiệp nhất với Chúa Thánh Thần mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa Toàn năng đến muôn thuở muôn đời”…; cho tới khi được lãnh ơn Toàn xá lúc lâm chung : “Cha dùng quyền tòa thánh đã ủy cho, ban ơn Đại xá và ơn tha thứ mọi tội lỗi cho con nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” ; và cuối cùng khi thân xác chúng ta được đưa về an nghỉ trong lòng đất, xung quanh huyệt mộ đã vang lên lời kinh nguyện kêu cầu Thánh Danh Ba Ngôi với những hình Thánh Giá được gởi trao : “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Hôm nay, Giáo Hội muốn dành một ngày Chúa Nhật đặc biệt trong Năm Phụng vụ để hân hoan tôn kính, tìm hiểu sâu xa mầu nhiệm nầy ; và nhất là để một lần nữa xác tín và nhận ra rằng : đời sống của chúng ta luôn in đậm dấu ấn của Chúa Ba Ngôi. Đối với chúng ta, Chúa Ba Ngôi đó là niềm vinh dự và nguồn vui, nhưng cũng là một đòi hỏi sâu xa và nghiêm túc. Chúng ta phải sống mầu nhiệm nầy không phải chỉ bằng những công thức tuyên xưng đầu môi chót lưỡi, nhưng là một sự khám phá luôn mới mẻ, một tiếp cận luôn thân thương và một khát khao luôn cuốn hút.
Giờ đây, chúng ta hãy cùng hát ca nhập lễ để bắt đầu thánh lễ.

Dẫn nhập trước các bài đọc Lời Chúa (Đọc trước các bài đọc)

Bài đọc 1 : Trích đoạn sách Đệ Nhị Luật sắp công bố sẽ trình bày cho chúng ta nội dung nầy : Thiên Chúa độc nhất, chân thật mà Vị lãnh đạo Môsê đã dạy dân phải kính thờ tuyệt đối cũng chính là Thiên Chúa được mặc khải Tân ước kiện toàn qua mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mời cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa.

Bài đọc 2 : Thánh Tông đồ Phaolô nhắc nhở cộng đoàn tín hữu Rôma về ơn huệ Chúa Thánh Thần được ân ban để trở nên con cái Thiên Chúa là Cha trong quyền thừa tự của Chúa Con là Đức Kitô. Đó chính là lời tuyên xưng đức tin Tông Truyền của Giáo Hội về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mời cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa.

THÔNG BÁO MỤC VỤ TUẦN LỄ CHÚA BA NGÔI

PHỤNG VỤ :

Xin lưu ý các ngày Phụng Vụ đặc biệt trong tuần

v    Thứ Tư đầu tháng (06/6) : Các cha trong giáo hạt tĩnh tâm. Có thánh lễ đồng tế lúc 10.30. Mời cộng đoàn đến cùng hiệp dâng thánh lễ.
v  Trong tháng Thánh Tâm, giờ kinh trước Thánh lễ : đọc kinh cầu Thánh Tâm, hát một bài về Thánh Tâm, sau đó lần chuổi.

GIÁO LÝ :

v  Còn nhiều gia đình chưa đưa con cái đến học giáo lý. Xin các bậc cha mẹ ý thức trách nhiệm đặc biệt nầy.
v  Các dự tòng ở ngoài giáo xứ Quảng Ngãi, muốn đăng ký học tại Quảng Ngãi phải cần có giấy giới thiệu và xác nhận của linh mục quản xứ nơi đương sự thường trú. Lớp dự tòng mới học tại nhà thờ mới vào tối thứ Hai và Thứ Sáu sau thánh lễ mỗi ngày.
v  Lớp dự tòng cũ học tại nhà thờ cũ như thường lệ.


QUẢN XỨ :

v  Để trả lại sự trang nghiêm thánh thiện cho cung thánh và phòng thánh (nhà thờ mới), từ nay về sau, giáo dân không được sử dụng phòng vệ sinh tại phòng thánh. Có nhu cầu, xin đến khu vệ sinh phía nam nhà xứ.
v  Tối thứ Hai (04/06) : Sau thánh lễ họp Hội Đồng Mục Vụ tại nhà xứ để triển khai công tác mục vụ Mừng Bổn Mạng giáo xứ. Kính mời các chức việc, các đại diện hội đoàn, ban mục vụ, cộng đoàn nữ tu MTG về dự họp.
v  Để giáo xứ có điều kiện tổ chức đại lễ Thánh Tâm-Bổn Mạng giáo xứ, xin anh chị em rộng tay hỗ trợ. Các chức việc triển khai công tác nầy bắt đầu từ thứ Ba tuần nầy.

Cha Chánh xứ thông báo

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

HÌNH ẢNH GIÁO XỨ QUẢNG NGÃI DIỄN NGUYỆN DÂNG HOA KÍNH MẸ MARIA

https://picasaweb.google.com/110238376276334041183/GIAOXUQUANGNGAIDANGHOAKINHME?authuser=0&feat=directlink

GIÁO XỨ QUẢNG NGÃI DÂNG HOA KÍNH MẸ

Chiều thứ Bảy, 26/05/2012, cộng đoàn giáo xứ Quảng Ngãi hân hoan tổ chức chương trình diễn nguyện dâng hoa tôn kính Đức Mẹ Maria nhân dịp sắp kết thúc tháng hoa. Có lẽ đây là lần đầu tiên giáo xứ tổ chức việc diễn nguyện dâng hoa tại lễ đài Đức Mẹ của nhà thờ mới. Chương trình diễn nguyện được các nữ tu Mến Thánh Giá thuộc cộng đoàn Quảng Ngãi biên kịch và thực hiện với sự nhiệt tình tập luyện của các em thiếu nhi và các bạn sinh viên. Nội dung của kịch bản diễn nguyện tôn vinh Mẹ Maria được xây dựng trên sứ điệp Tin Mừng qua mầu nhiệm Thăm Viếng. Cuộc hành trình viếng thăm người chị họ Isave của Mẹ Maria đã mở ra chiều kích bác ái, yêu thương mà dụ ngôn người Samaria nhân hậu như là một áp dụng thực hành dành cho mỗi người Kitô hữu. Cộng đoàn cùng trầm lắng hội nhập vào chương trình diễn nguyện trong thái độ cầu nguyện sốt sắng. Liền sau chương trình diễn nguyện tôn vinh Mẹ là thánh lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được cử hành trước tiền đường nhà thờ. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, chắc chắn, Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự Sống, sẽ xuống trên cộng đoàn giáo xứ để "sửa lại mọi sự trong ngoài" hầu cuộc sống đức tin và nhiệt tình truyền giáo được củng cố. Xin Mẹ Maria cầu thay nguyện giúp cho cộng đoàn giáo xứ Quảng Ngãi.

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

ĐẸP LÀM SAO NGÀY HỘI BỔN MẠNG

(Ký sự mục vụ ngày mừng lễ Bổn Mạng giáo họ Nghĩa Lâm-Quảng Ngãi : Lễ Thăng Thiên 19.05.2012)

BBT blog gxqn

            Nếu Quảng Ngãi là một địa danh mang âm hưởng nặng nề của khốc liệt chiến tranh, của cực đoan ý tưởng, của căng thẳng ý thức hệ và của sôi động mạnh mẽ khát vọng vật chất cũng như tinh thần, thì vùng đất phía Tây Quảng Ngãi lại giống như "cuốn nhật ký" ghi đậm những “dấu ấn phức tạp” ấy qua những địa danh hay biến cố mãi mãi đi theo cùng năm tháng như : loạn Đá Vách, Trường Lũy, mật khu Đỗ xá, trận chiến Ba Gia…
            Trên địa bàn mục vụ của giáo hạt Công Giáo Quảng Ngãi, nếu men theo đôi bờ tả hữu của con sông Trà Khúc mà xuôi về hướng Tây, chúng ta sẽ gặp những cộng đoàn xứ đạo vừa lâu đời, vừa trù phú mà trong số đó, hôm nay chỉ còn vang bóng một thời : Bên bờ Bắc Trà Khúc, có Phú Hòa, Chợ Mới, Đồng Cọ, Tân Lộc, Cù Và, Phước Thọ. Phía bờ Nam với các cộng đoàn : Quảng Ngãi, Rừng Lăng, An Hội, Phước Lâm. Ngày hôm nay, chỉ còn tồn tại và sinh hoạt với 2 giáo xứ có nhà thờ : phía Nam là Quảng Ngãi và phía Bắc là Phú Hòa. Tất cả các cộng đoàn khác, một số đã bị bình địa trong cuộc chiến Bắc Nam. Trong số đó phải kể hai đơn vị giáo xứ quan trọng : Tân Lộc và Cù Và. Riêng Cù Và, một địa sở đông đảo, trù phú, với các họ đạo vệ tinh : Phước Lâm, Phước Thọ, Đồng Cọ, Chợ Mới…đã từng được coi là một trong những vựa lúa lớn của giáo phận Qui Nhơn ; vì nơi đây có hàng trăm mẫu ruộng Nhà chung, cung cấp tài sản hàng năm đáng kể cho Giáo Phận.
            Trong trận chiến Ba Gia nổ ra khoảng cuối tháng 5 năm 1965, toàn bộ vùng Tây Quảng Ngãi chìm trong lửa đạn. các giáo xứ, giáo họ bị tàn phá và bình địa. Các cơ sở thờ tự và mục vụ bị san bằng. Một số ít giáo dân di tản đến các vùng Phú Hòa, thị xã Quảng Ngãi ; trong khi đó đa số di cư vào tận các tỉnh phía Nam và tái hội nhập vào các giáo phận như Nha Trang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Sài Gòn, Ban Mê Thuột…
            Sau năm 1975, một số ít giáo dân hồi cư về vùng đất cũ, nơi chôn nhau cắt rún, tài bồi lại mồ mã ông bà tổ tiên. Trong số đó có hai giáo họ bên bờ Nam sông Trà Khúc hiện thuộc địa bàn mục vụ của giáo xứ Quảng Ngãi : họ An Hội và họ Phước Lâm mà tên hành chánh hôm nay gọi là Nghĩa Lâm. Cả hai giáo họ đều không còn nơi thờ phượng. Nhà thờ bị phá hủy, đất đai nhà thờ bị chính quyền và dân chiếm dụng. Mỗi ngày Chúa Nhật, chỉ một số ít có phương tiện xe honđa hặc xe đạp, dắt díu đèo nhau đi về nhà thờ Quảng Ngãi thờ phượng Chúa.
            Riêng giáo họ Nghĩa Lâm, cứ mỗi độ tiếng ve sầu vang lên khắp chốn báo hiệu cái nắng gắt của mùa Hè, giáo dân nô nức chuẩn bị mừng ngày Truyền Thống Bổn Mạng dịp đại lễ Thăng Thiên. Năm nay, giáo họ, ngoài niềm vui mừng Bổn Mạng như mọi năm, giáo dân Nghĩa Lâm hoan hỷ đón mừng cha tân chánh xứ kiêm hạt trưởng Quảng Ngãi : Giuse Trương Đình Hiền, lần đầu tiên về thăm và cử hành lễ Bổn Mạng giáo họ.
            Để chuẩn bị ngày lễ truyền thống đặc biệt nầy, cha phó Giacôbê Bùi Tấn Mai đã đến chuẩn bị tâm hồn và giả tội cho anh chị em giáo dân trước đó một ngày. Cũng trong tinh thần chuẩn bị đại lễ, một số anh chị em ca viên thuộc ca đoàn Cecilia Quảng Ngãi đã đến trước vào ngày thứ Sáu trước lễ để ôn tập thánh ca Phụng Vụ với ca đoàn giáo họ Nghĩa Lâm.
            Trước giờ cử hành thánh lễ, giáo dân hân hoan tập trung đón chào cha chánh xứ. Anh em trong ban Chức việc giáo họ quây quần bên chủ chăn để trình bày đôi nét về sinh hoạt của giáo họ. Sau đó, thánh lễ trang nghiêm và sốt sắng được cử hành mà mầu nhiệm Phụng Vụ Thăng Thiên chính là trọng tâm ý nghĩa.
            Trong bài chia sẻ Lời Chúa, cha chánh xứ đã nêu bật ý nghĩa :
“Sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay phải chăng đó là vừa “biết ngước mắt ngẫng cao đầu hướng về trời cao” để nuôi giữ niềm tin yêu hy vọng vĩnh cửu, và vừa biết nhìn thẳng vào cuộc sống đời thường để biết xả thân xây dựng cuộc sống hôm nay. Sống mầu nhiệm Thăng Thiên cũng có nghĩa là vừa biết  giữ cõi lòng thanh thản khỏi mọi vướng bận và đam mê nhỏ hèn, ô trọc, nhầy nhụa vật chất và lạc thú tầm thường , vừa biết cần cù xây dựng công lý và yêu thương, sẵn sàng biết cho đi và quảng đại quên mình…
Vâng, sống mầu nhiệm Thăng Thiên đó là biết  không ngừng “chắp cho mình đôi cánh thiên nga” để bay cao khỏi vũng lầy của cái danh cái lợi, cái hận thù ghét ghen, cái nhỏ nhen bũn xĩn…để nhìn xa về phía trước, nhìn lên tận cõi cuối trời mà tin rằng có một “quê nhà đích thật” đang mở cửa đón đợi...”
            Sau thánh lễ là bữa tiệc Bổn Mạng với đại diện của các gia đình, các giáo họ bạn, trong bầu khí thân thương, nghĩa tình huynh đệ. Trước khi về lại Quảng Ngãi, cha chánh xứ cùng với cha phó xứ và một số anh chị em chức việc và ca viên thuộc giáo xứ Quảng Ngãi đã sang thăm viếng địa bàn giáo họ Phước Thọ, một địa danh nằm bên bờ Bắc sông Trà Khúc và phía dưới công trình thủy điện Thạch Nham, một công trình thủy lợi lớn nhất Quảng Ngãi, đã giúp tưới tiêu cho hàng nghìn mẫu ruộng.
            Đẹp làm sao một ngày hội Bổn Mạng của một cộng đoàn giáo họ vùng sâu vùng xa.

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ QUẢNG NGÃI HỌP KHOÁNG ĐẠI

Để định hướng sinh hoạt mục vụ cho toàn giáo xứ Quảng Ngãi trong những ngày đầu của trách vụ chánh xứ, cha Giuse Trương Đình Hiền đã triệu tập cuộc họp khoáng đại đầu tiên của Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Quảng Ngãi bao gồm : 
- Cha chánh xứ trong vai trò chủ sự
- Cha phó Giacôbê Bùi Tấn Mai 
- Đại diện cộng đoàn nữ tu MTG Qui Nhơn tại Quảng Ngãi
- Các thành viên trong Ban Phục Vụ (Hội Đồng Chức Việc)
- Đại diện các ban mục vụ chuyên trách và các hội đoàn.
Sau đây là các nội dung chính trong cuộc họp khoáng đại quan trọng nầy :
 
CHƯƠNG TRÌNH HỌP KHOÁNG ĐẠI
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ QUẢNG NGÃI
(Tối thứ Hai 07/05/2012)

~~~~~~~~00000000~~~~~~~~

1.      Thành phần tham dự :
·         Cha Chánh xứ : chủ trì cuộc họp
·         Cha phó xứ, đại diện CĐ nữ tu MTG
·         Các thành viên Ban Phục Vụ (Chức việc)
·         Đại diện 2 giáo họ Nghĩa lâm, An Hội
·         Đại diện các ca đoàn
·         Đại diện Hội Các Bà Mẹ Công Giáo
·         Đại diện giáo lý viên
·         Đại diện Ban trợ táng
·         .......

2.      Tiến trình và nội dung cuộc họp :
·         Kinh khai mạc (cha chánh xứ)
·         Giới thiệu các thành phần tham dự
·         Giới thiệu các nội dung chính (Cha chánh xứ)

a/. Thống nhất một số tên gọi xuyên suốt :
  • Hội Đồng Mục Vụ : Khi có đầy đủ đại diện mọi tổ chức, đoàn, hội, ban ngành trong gx.
  • Hội đồng chức việc : Khi chỉ có các thành viên chức việc (Ban Phục Vụ) trong gx.
  • Ban thường vụ HĐ chức việc : Chỉ gồm CT/HĐCV, các PCT/HĐCV, thư ký HĐCV, Thủ quỷ HĐCV, Trưởng Ban CV giáo họ An Hội, Nghiã Lâm.

b/. Thống nhất một số thực hành về Phụng vụ
  • Triển khai một số điểm trong "Cẩm Nang MVPV bí tích dành cho Chức việc"
  • Triển khai một số điểm trong "Cẩm nang Phụng vụ ngoài thánh đường.
  • Một số vấn đề Phụng Vụ cần điều chỉnh cho đúng Qui luật PV của Giáo Hội.
  • Các vấn đề khác liên quan...

c/. Thống nhất một số vấn đề thuộc mục vụ quản xứ :
  • Phiên thường trực tại 2 nhà thờ
  • Việc quản lý và sử dụng  tài sản, tài chánh của giáo xứ.
  • Việc ẩm thực tại nhà xứ.
  • Tái cấu trúc Ban điều hành các hội đoàn : Các Bà Mẹ, SV-HS-Giới trẻ, Ban giúp lễ...

d/. Thống nhất một số vấn đề thuộc mục vụ huấn giáo :
  • Chương trình giáo lý thiếu nhi (giờ học gl...)
  • chương trình giáo lý chuẩn bị hôn nhân, dự tòng...
  • Các vấn đề liên quan...

3. Một số vấn đề cần chuẩn bị để thực hiện ngay :
  • Chương trình tĩnh tâm linh mục giáo hạt (Thứ 4, 09/05)
  • Chương trình ngày giáp 23 năm chịu chức linh mục...(10/05).
  • Chương trình diễn nguyện cuối tháng Hoa.
  • Chương trình mừng lễ Bổn Mạng giáo họ Nghĩa Lâm.


Linh mục chánh xứ Quảng Ngãi

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Lễ Nhậm chức Chánh xứ Quảng Ngãi

MỘT NGÀY LỄ CỦA ĐỨC TIN CÔNG GIÁO
(LỄ NHẬM CHỨC CHÁNH XỨ QUẢNG NGÃI NGÀY 26/4/2012)
Giáo hạt Quảng Ngãi

            Vào những ngày cuối tháng 4 oi bức, trên phần đất miền bắc giáo phận Qui Nhơn đã diễn ra một biến cố mục vụ quan trọng : lễ nhậm chức tân Chánh xứ Quảng Ngãi kiêm Hạt trưởng Quảng Ngãi của cha Giuse Trương Đình Hiền, đương nhiệm Chánh xứ Tuy Hòa kiêm Hạt trưởng Phú Yên. Thánh lễ nhậm chức được chính Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục chính giáo phận Qui Nhơn chủ sự với khoảng 60 linh mục đồng tế và tham dự của rất đông anh chị em giáo dân giáo hạt Quảng Ngãi, Phú Yên, cùng một số đông tu sĩ, chủng sinh trong giáo phận.
            Giáo xứ Quảng Ngãi và nói chung, giáo hạt Quảng Ngãi, là địa bàn mục vụ gánh chịu nhiều nhiều mất mát trong cuộc nội chiến Bắc Nam, đặc biệt từ khoảng năm 1965-1975. Kể từ năm 1975, khoảng 80% dân Công Giáo Quảng Ngãi di cư vào các tỉnh phía Nam ; trong số đó có một số vượt biên ra ngoại quốc. Nhiều giáo xứ bị tàn phá và bị xóa tên : Cù Và, Trung Tín, Tân Lộc, Kỳ Tân, Phú Vang, Trà Câu. Vài giáo xứ được tái lập trên địa bàn mới vì nhà thờ cũ bị tàn phá, đất đai bị chiếm dụng. Trong số đó có Bầu Gốc, Châu Me, Kỳ Tân. Hiện tại, toàn giáo hạt Quảng Ngãi có 7 cộng đoàn giáo xứ : Quảng Ngãi, Phú Hòa, Bầu Gốc, Châu Me, Kỳ Tân (thuộc linh mục giáo phận) và 2 giáo xứ Châu Ổ, Lý Sơn (thuộc linh mục dòng Chúa Cứu Thế). Số giáo dân trong toàn giáo hạt Quảng Ngãi hiện nay là 9000, chỉ bẳng 1/5 so với số giáo dân trước năm 1972.
            Riêng giáo xứ Quảng Ngãi hiện tại có khoảng 1000 giáo dân với 2 nhà thờ : nhà thờ cũ Quảng Ngãi, tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ năm 1941 do linh mục Nguyễn Thanh Quý, cha sở tiên khởi của giáo xứ Quảng Ngãi. Từ năm 1995, được cha Phêrô Đặng Son, chánh xứ kiêm hạt trưởng Quảng Ngãi trùng tu khang trang. Riêng nhà thờ mới Quảng Ngãi được cha Phêrô Huỳnh Tấn Ngoan khởi công xây dựng từ năm 1963, với đồ án thật hùng vĩ. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng chiến cuộc liên tiếp sau đó, nên công trình nhà thờ bị bỏ dở dang cho đến năm 1971 được cha Giuse Nguyễn Sồ tiếp tục xây dựng hoàn tất năm 1973 với một số chi tiết, hạng mục bị thay đổi so với thiết kế ban đầu vì điều kiện tài chánh. Ngày nay, nhà thờ mới với Thánh Hiệu Thánh Tâm, uy nghi trong lớp sơn mới, với tường rào, cổng, các tượng đài Đức Mẹ, Thánh Giuse trên khuôn viên cây xanh thoáng mát...do cha Phêrô Đặng Son trùng tu, xây dựng, tọa lạc trên đại lộ chính của thành phố : đại lộ Hùng Vương.
            Được biết, cha Phêrô Đặng Son về nhậm chức chánh xứ Quảng Ngãi năm 1989, thay cha Giuse Trần Ngọc Châu già yếu, và năm 1995 kiêm hạt trưởng Quảng Ngãi. Với 23 năm trog cương vị chánh xứ và 17 năm trong vai trò Hạt trưởng, cha Phêrô Đặng Son đã bỏ nhiều công sức để tái thiết giáo xứ Quảng Ngãi và củng cố, tài bồi cho các giáo xứ trong toàn giáo hạt. Ngày 02/05/2012 tới đây, cha Son sẽ chính thức lãnh nhận chức vụ chánh xứ Tuy Hòa kiêm Hạt trưởng Phú Yên.
            Thánh lễ nhậm chức Chánh xứ Quảng Ngãi diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, thánh thiện, biểu lộ mối dây hiệp nhất trong gia đình giáo phận khi nối kết hai cộng đồng của hai đầu giáo phận lại với nhau và trong nhau : Phú Yên-Quảng Ngãi với cái gạch nối thiêng liêng là Giám Mục giáo phận Qui Nhơn. Mặc dầu trong không khí chia tay với cha sở cũ thấm đượm tình quý mến sâu sắc mang nổi buồn của "kẻ ở người đi", nhưng trong tâm tình và cảm nhận đức tin, cộng đoàn dân Chúa Quảng Ngãi lại dành cho cha tân Chánh xứ nghĩa tình niềm nỡ của đoàn con dành cho mục tử trong đại gia đình con cái Chúa.
            Thật đẹp đẽ biết bao một ngày lễ của Dân Chúa, của tình hiệp thông, của Đức tin Công Giáo.